Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Nhiều hộ kinh doanh vẫn không thiết tha với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp do e ngại các vấn đề thủ tục và thuế. Trên thực tế, khi chuyển sang doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hưởng nhiều lợi thế.
Những lợi thế khi hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp
1. Được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí
Luật Hộ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Cụ thể, hộ kinh doanh được:
- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Để được hưởng loạt hỗ trợ nêu trên, hộ kinh doanh phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
2. Có tư cách pháp nhân, được vay vốn ngân hàng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại các ngân hàng là pháp nhân, cá nhân.
Trong khi đó, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên đây là một hạn chế đối với hộ kinh doanh khi muốn vay vốn tại ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhưng doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) có tư cách pháp nhân và có quyền thực hiện giao dịch vay vốn tại ngân hàng.
3. Được thuê nhiều lao động
Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Điều này có nghĩa, pháp luật chỉ chấp nhận hộ kinh doanh có từ 9 lao động trở xuống. Do đó, nếu muốn thuê nhiều lao động hơn để mở rộng kinh doanh thì hộ kinh doanh sẽ được coi là phạm luật.
Với mô hình doanh nghiệp, pháp luật hiện hành không hạn chế số lượng người lao động trong doanh nghiệp.
Ngoài 3 điểm nêu trên, hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp còn được mở nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện; Khi kinh doanh thua lỗ được áp dụng quy định của Luật Phá sản…
Sơ lược về Hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”
Như vậy, so sánh những đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp tư nhân, ta thấy hộ kinh doanh cá thể có những dấu hiệu cơ bản sau :
- Chủ hộ kinh doanh có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình;
- Phải thực hiện kinh doanh tại một địa điểm[1];
- Sử dụng không quá 10 lao động;
- Không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng;
- Chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh;
- Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không được áp dụng các quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
[1] Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.