Ngày 26/8/2016 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN nhỏ và vừa thay thế cho Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, trong đó đã có một số điểm được đánh giá tiến bộ, cởi mở, đưa ra nhiều lựa chọn cho DN, đặc biệt là đơn giản hóa cho các DN siêu nhỏ. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định về tổ chức công tác kế toán, mẫu biểu báo cáo tài chính… lại làm cho chi phí tuân thủ thuế, của DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ tăng cao.
Theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC, phương pháp kế toán được thực hiện trên cơ sở dồn tích với yêu cầu mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của DN liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu, chi tiền, dù phù hợp với các DN lớn và vừa, nhưng sẽ gây khó khăn cho DN nhỏ vì nhiều khoản doanh thu, chi phí chưa được thanh toán (nợ phải thu, nợ phải trả), khấu hao, dự phòng… phải theo dõi kéo dài qua nhiều kỳ kế toán khác nhau. Bên cạnh đó, quy định mới đang bó buộc DN nhỏ khi đặt ra yêu cầu, dù có phát sinh nhiều hay ít các nghiệp vụ kinh tế trong kỳ kế toán đều phải duy trì một hệ thống sổ sách kế toán và tuân thủ đúng các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán. Không có điều khoản nào cho phép được thực hiện đơn giản hơn nếu nghiệp vụ đơn giản, ít phát sinh. Vì thế, DN dù chỉ có một vài tài sản phải khấu hao, hay vài món nợ phải thu, phải trả… vẫn phải hạch toán và theo dõi đầy đủ trên sổ kế toán và phản ánh đầy đủ trên báo cáo tài chính.
Mặt khác, quy định báo cáo tài chính cho DN nhỏ phải có 3 mẫu bắt buộc, trong đó bản báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh phải ghi đầy đủ các khoản doanh thu thuần về bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, chi tiết các khoản giá vốn hàng bán, chi phí quản lý kinh doanh, lãi lỗ các hoạt động tài chính và hoạt động khác và chi phí thuế TNDN. Điều này rất bài bản, nhưng chưa phù hợp với phân tích đặc điểm và nhu cầu của hầu hết các DN nhỏ với đặc thù hoạt động kinh doanh đơn giản, sở hữu mang tính chất gia đình, không có phát hành cổ phiếu. Đặc biệt, báo cáo tài chính đối với DN còn phức tạp, không phù hợp với quy định về thuế TNDN đã cho phép DN dưới ngưỡng chịu thuế GTGT có thể tính thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu. Ngoài ra, việc quy định “DN nhỏ vẫn phải tổ chức bộ máy kế toán, phân công người phụ trách kế toán thay cho kế toán trưởng; trong trường hợp DN không tự lập báo cáo tài chính mà thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán lập thì phải ghi rõ tên, số giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán” đang làm gia tăng chi phí đầu vào, khi buộc các DN phải thuê dịch vụ kế toán hoặc thuê đại lý thuế.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu trong các Nghị quyết số 19 năm 2014 – 2017 về mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam ngang bằng với bình quân của các nước ASEAN 4 vào năm 2017 và hướng đến bình quân của các nước ASEAN 3 vào năm 2020; đồng thời hướng tới đạt 1 triệu DN theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển DN. Trên cơ sở này Bộ Tài chính cần rà soát, đơn giản hoá các quy định về chính sách, thủ tục hành chính thuế GTGT, TNDN, hoá đơn chứng từ và đặc biệt là sửa đổi chế độ kế toán đối với DN nhỏ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, mẫu biểu kê khai cho phù hợp với năng lực quản lý, khả năng ghi chép sổ sách, lưu giữ chứng từ kế toán của loại hình này. Theo đó, cần xây dựng chế độ kế toán riêng cho DN siêu nhỏ dưới ngưỡng chịu thuế GTGT, dựa trên nguyên tắc kế thừa một cách hợp lý các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán chung đã ban hành. Cụ thể, do quy mô của DN rất nhỏ nên có thể giản lược các thông tin về tình hình tài chính, vốn, tài sản, công nợ… theo hướng DN không phải theo dõi công nợ, tính toán các khoản doanh thu, chi phí trong quá khứ hoặc trong tương lai, dù vẫn có thể mở sổ theo dõi riêng. Hệ thống sổ kế toán chỉ cần 4 loại cơ bản: đó là sổ nhật ký thu tiền; sổ nhật ký chi tiền; sổ các khoản thu/chi tiền qua ngân hàng; sổ tổng hợp thu chi. Khuyến khích DN ghi chép sổ sách kế toán hàng ngày để giúp cho chủ DN quản lý được tốt doanh thu và dòng tiền.
Việc kê khai tính thuế thu nhập của DN siêu nhỏ cũng dựa trên nguyên tắc kế toán tiền mặt, nghĩa là việc tính thu nhập chịu thuế dựa trên số tiền thực thu, thực chi trong năm. Cùng với đó, cần đơn giản hóa hệ thống mẫu biểu tờ khai quyết toán thuế và báo cáo tài chính phù hợp với mô hình DN nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, sửa đổi quy định về chế độ khấu hao tài sản cố định đối với DNNVV theo hướng DN được khấu trừ luôn hoặc phân bổ giá trị tài sản trong một thời hạn nhất định để DN không phải mở sổ, theo dõi khấu hao tài sản cố định.
Về tổ chức bộ máy cũng cần sửa đổi theo hướng, DN siêu nhỏ không phải tổ chức bộ máy đơn vị kế toán; chỉ cần thuê một nhân viên kế toán hoặc khuyến khích chủ DN tự ghi chép hoạt động kinh doanh, để giảm gánh nặng chi phí nhân công. Điều kiện hành nghề và phạm vi hoạt động của đại lý thuế và nhân viên kế toán hành nghề để hỗ trợ cho DN nhỏ, siêu nhỏ cũng cần mở rộng theo hướng cho phép nhân viên đại lý thuế được làm sổ kế toán, nhân viên kế toán được lập và ký tờ khai thuế.
Thời gian qua, cộng đồng DN nhỏ đã tiếp nhận nhiều phương thức cải cách thủ tục hành chính để thuận lợi hơn trong việc chấp hành chế độ kế toán thuế. Theo đó, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu đối với các DN có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế GTGT (doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm); giảm tần suất kê khai nộp thuế GTGT từ hàng tháng sang hàng quý đối với DN có mức doanh thu hàng năm đến 20 tỷ đồng (từ 1/7/2013) và nâng lên mức doanh thu 50 tỷ/năm từ 1/10/2014; giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống còn 22% (từ 1/1/2014) và DN có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm áp dụng mức thuế suất 20% (từ 1/7/2013); bỏ quy định DN phải kê khai thuế TNDN tạm nộp hàng quý…; đồng thời đơn giản hóa các mẫu biểu hồ sơ hành chính thuế và các quy định về kê khai, tính thuế để giảm bớt sự khác biệt giữa quy định về kế toán và thuế trong việc xác định doanh thu, các chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.