Chẳng hạn, ưu điểm của thuế giá trị gia tăng (GTGT) là điều tiết thu nhập của người tiêu dùng một cách rộng rãi, phổ quát, kể cả những trường hợp thuế thu nhập không thể điều tiết được. Đây là đánh giá của PGS.TS. Lê Xuân Trường, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính về ý nghĩa, mục tiêu của việc sửa đổi 5 luật về thuế.
- PGS.TS Lê Xuân Trường: Việc sửa đổi các luật về thuế luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp dân cư trong xã hội, không chỉ dự luật này mà với tất cả các lần xây dựng, ban hành chính sách thuế trước đây cũng vậy. Lý do đơn giản là bởi thuế luôn gắn với quyền lợi trực tiếp của cá nhân, tổ chức… Với lần sửa đổi thuế này, có nhiều nội dung có thể tác động đến thu nhập của nhiều tầng lớp dân cư ở các góc độ khác nhau, bao gồm có điều tiết tăng hoặc giảm và nhất là tác động đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), cho nên việc thu hút sự quan tâm là dễ hiểu.
PV: Vậy theo ông, việc sửa đổi các luật thuế lần này sẽ tác động như thế nào đến các tầng lớp cư dân trong xã hội? Có ý kiến lo ngại việc sửa đổi sẽ tác động nhiều đến người thu nhập thấp, ông có đồng tình với quan điểm này?
- PGS.TS Lê Xuân Trường: Sửa đổi thuế tác động chi tiêu của các tầng lớp cư dân nhưng mức tác động khác nhau. Chẳng hạn, những sửa đổi về thuế GTGT hay Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như tăng thuế suất, áp thuế TTĐB cho một số mặt hàng sẽ chủ yếu tác động đến nhóm người dân có thu nhập từ khá trở lên. Hay đề xuất về điều chỉnh giãn cách các bậc thuế trong thuế thu nhập cá nhân, theo hướng gia tăng khoảng cách giữa các bậc thuế, hay giảm thuế suất sẽ giảm điều tiết đối với nhóm người có thu nhập trung bình.
|
Ở đây, chúng ta phải nhìn nhận tính đảm bảo công bằng chung của hệ thống thuế. Thay vì nhìn nhận qua từng lần chi tiêu của người tiêu dùng, chúng ta phải nhìn từ góc độ tổng mức thuế mà một người dân phải trả trên tổng thu nhập, khi đó sẽ khách quan hơn. Theo những số liệu chúng tôi nghiên cứu gần đây, tỷ lệ thuế so với thu nhập của người nghèo ở Việt Nam là khá thấp so với người giàu, xét về tổng thể. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư cho những vùng khó khăn… những chính sách này góp phần đảm bảo sự công bằng trong xã hội.
Tóm lại, để đánh giá tác động chính sách là phải nhìn tổng thể cả chi tiêu ngân sách và hệ thống chính sách thuế chứ không nên nhìn một chính sách riêng lẻ.
PV: Còn đối với khu vực DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tác động của việc sửa các luật thuế ra sao, thưa ông?
- PGS.TS Lê Xuân Trường: Việc sửa luật thuế lần này có tác động nhiều chiều đến giới DN, nhưng xu hướng chung là tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, dự thảo đã đề xuất tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tuân thủ pháp luật của DN. Đó là các quy định như chuyển nhiều nhóm mặt hàng từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5%, để các DN kinh doanh mặt hàng này, chủ yếu liên quan đến đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, được khấu trừ thuế, giảm chi phí kinh doanh.
Hay chính sách về ưu đãi thuế cho DN trong các lĩnh vực được khuyến khích, đặc biệt là với khu vực DN nhỏ và vừa, thuế TNDN được đề xuất giảm còn 15% và 17% cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Đây là sự hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tăng tích lũy, tăng sức cạnh tranh.
PV: Trong lần sửa đổi này, vấn đề nhiều người quan tâm là việc điều chỉnh thuế suất thuế GTGT. Theo ông, việc điều chỉnh này có phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách, cơ cấu lại hệ thống chính sách thuế chúng ta đặt ra?
- PGS.TS Lê Xuân Trường: Về cơ cấu thu, có một số tính toán cho rằng, tỷ trọng thuế GTGT của chúng ta hiện nay khá cao trong tổng thu NSNN. Nhưng so sánh rộng ra với nhiều nước, tỷ trọng này chưa phải là cao. Đặc biệt là nhìn vào thuế suất thuế GTGT của nhiều nước ngay trong khu vực cao hơn Việt Nam.
Cũng có quan ngại là khi tăng tỷ trọng thuế GTGT thì tính lũy thoái của hệ thống thuế sẽ gia tăng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc cơ cấu tiêu dùng của dân cư và cơ cấu thuế suất thuế GTGT. Như tôi đã phân tích ở trên, với cơ cấu tiêu dùng hiện nay, những mặt hàng thiết yếu đánh thuế thấp và không chịu thuế thì việc tăng thuế GTGT không ảnh hưởng đến tính công bằng của hệ thống thuế nhiều lắm và chúng ta có thể xử lý bằng các chính sách thuế khác cũng như qua chi tiêu cho hệ thống an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, phải nhìn nhận từ góc độ bản thân hệ thống thuế phải đảm bảo tính bổ sung lẫn nhau. Ưu điểm của thuế GTGT là điều tiết vào thu nhập của người tiêu dùng một cách rộng rãi, phổ quát, kể cả những trường hợp thuế thu nhập không thể điều tiết được. Ví dụ như những khoản thu nhập ngầm không nộp thuế thu nhập nhưng nếu có tiêu dùng thì chắc chắn phải trả thuế GTGT; như vậy sẽ đảm bảo được tính công bằng, điều tiết phù hợp thu nhập của người giàu. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà xu thế tăng thuế GTGT đã diễn ra ở nhiều nước.
Những số liệu chúng tôi thu thập, nghiên cứu trong thời gian qua cũng phản ánh tỷ lệ tác động điều chỉnh thuế GTGT với người thu nhập thấp không quá nhiều. Tôi cho rằng đây là vấn đề ban soạn thảo cần thu thập thêm số liệu để chứng minh tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận hơn trong xã hội.
PV: Bên cạnh những quan điểm này, ông có đề xuất, góp ý gì đối với các chính sách thuế đang được dự kiến sửa đổi này?
- PGS.TS Lê Xuân Trường: Tôi cho rằng, có một số vấn đề cần nghiên cứu thêm. Chẳng hạn, theo tôi cần nghiên cứu tăng thêm thuế suất thuế TTĐB với những mặt hàng chúng ta không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia… để đảm bảo tính hiệu quả và sự điều tiết. Hay cần nghiên cứu thu hẹp hơn nữa nhóm không chịu thuế GTGT để hệ thống thuế đơn giản hơn. Khi một mặt hàng không chịu thuế, cơ sở kinh doanh sẽ không được khấu trừ, vô hình chung thuế của những đối tượng khác lại chuyển cho những người kinh doanh mặt hàng không chịu thuế phải chịu.
Như tôi đã nói, mọi lựa chọn chính sách đều có 2 mặt. Tuy nhiên, dần dần chúng ta cũng phải hướng đến theo thông lệ quốc tế, giảm dần số hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.