Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;
Căn cứ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp cógiao dịch liên kết;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ liên kết như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết; phương pháp xác định giá giao dịch liên kết; nội dung thông tin kê khai, lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và trường hợp được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 20/2017/NĐ-CP).
Điều 2. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
1. Bản chất giao dịch được đối chiếu giữa hợp đồng hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được áp dụng như sau:
a) Thu thập thông tin, xác định bản chất các giao dịch liên kết, quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, chức năng của người nộp thuế trên cơ sở rà soát, thực hiện phân tích hợp đồng, thoả thuận, văn bản của người nộp thuế với các bên liên kết, so sánh thực tiễn thực hiện của các bên liên kết trong quá trình sản xuất kinh doanh với các thoả thuận, hợp đồng đã ký trên cơ sở nguyên tắc ứng xử kinh doanh giữa các bên độc lập. Các yếu tố so sánh, rà soát theo quy định tại khoản 3 Điều này.
b) Căn cứ đối chiếu các thoả thuận kinh tế, thương mại, tài chính trong các giao dịch liên kết của người nộp thuế là dữ liệu, thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên liên kết để so sánh với các quyết định kinh doanh sẽ được các bên độc lập thực hiện trong điều kiện tương đồng. Nguyên tắc đối chiếu áp dụng trong phân tích so sánh coi trọng bản chất và thực tiễn kinh doanh, rủi ro gánh chịu của các bên liên kết hơn là các thỏa thuận được dàn xếp bằng văn bản.
Hợp đồng, thoả thuận kinh doanh giữa các bên liên kết được rà soát đảm bảo các điều khoản hợp đồng, quy định, thỏa thuận, giao ước đã ký kết phản ánh quyền lợi và trách nhiệm của các bên ký kết; các bên ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi thông qua các điều khoản của hợp đồng và các điều khoản hợp đồng sẽ được thoả thuận lại để sửa đổi các điều khoản quy định quyền lợi, nghĩa vụ phù hợp với lợi ích theo thực tế thực hiện của tất cả các bên tham gia ký kết hợp đồng.
c) Áp dụng các nguyên tắc giao dịch độc lập, bản chất quyết định hình thức để xác định lại giao dịch liên kết và thực tiễn rủi ro kinh doanh mà các bên phải gánh chịu hoặc không công nhận các giao dịch không phù hợp bản chất thương mại, kinh tế, tài chính được tiến hành giữa các bên độc lập.
2. Khoảng giá trị giao dịch độc lập và giá trị được lựa chọn làm cơ sở so sánh, điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo quy định tại điểm c và điểm đ, khoản 2 Điều 6 áp dụng như sau:
a) Trường hợp tìm kiếm được các đối tượng so sánh độc lập có mức độ so sánh tin cậy tương đương nhau, không có khác biệt hoặc có khác biệt nhưng có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt trọng yếu, giá trị được lựa chọn là giá trị phù hợp nhất trong khoảng giá trị giao dịch độc lập phản ánh mức độ tương đồng cao nhất giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập để thực hiện điều chỉnh tương ứng mức giá không làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
b) Trường hợp các đối tượng so sánh độc lập tìm kiếm được có mức độ so sánh tin cậy không tương đương nhau, chỉ có thông tin dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hầu hết các khác biệt trọng yếu, phương pháp xác suất thống kê được sử dụng để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn làm căn cứ thực hiện điều chỉnh tương ứng tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế không làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
c) Phương pháp xác suất thống kê tứ phân vị có công thức tính khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn cho các dữ liệu quan sát của mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập như sau:
- Giá trị thứ nhất = 25 x (n+1)/100
- Giá trị giữa = 50 x (n+1)/100
- Giá trị thứ ba = 75 x (n+1)/100
Trong đó, (n) là tập hợp các giá trị quan sát của hàm tứ phân vị. Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là từ giá trị thứ nhất đến giá trị thứ ba; giá trị giữa là giá trị trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn.
Trường hợp mức giá bán, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế thấp hơn giá trị trung vị hoặc mức giá mua của người nộp thuế cao hơn giá trị trung vị thì điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo giá trị trung vị.
Trường hợp mức giá bán, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế cao hơn giá trị trung vị hoặc mức giá mua của người nộp thuế thấp hơn giá trị trung vị thì không thực hiện điều chỉnh.
3. Phân tích so sánh áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát điều chỉnh khác biệt trọng yếu đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP như sau:
a) Phân tích các điều khoản hợp đồng khi thực hiện giao dịch chủ yếu bao gồm: Khối lượng, điều kiện giao dịch hoặc phân phối sản phẩm; thời hạn, điều kiện và phương thức thanh toán; điều kiện bảo hành, thay thế, nâng cấp, chỉnh sửa hoặc hiệu chỉnh sản phẩm; điều kiện về đặc quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm; các điều kiện có ảnh hưởng kinh tế khác như dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kiểm tra chất lượng, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ quảng cáo, khuyến mại.
Trường hợp các điều khoản hợp đồng, thoả thuận không phản ánh đầy đủ thực tiễn thực hiện giữa các bên liên kết, phân tích so sánh được thực hiện trên cơ sở rà soát các sự kiện thực tế hoặc các dữ liệu tài chính để xác định đặc điểm, bản chất kinh tế và các rủi ro kinh doanh thực tiễn của các bên.
Trường hợp một số thoả thuận như hỗ trợ kỹ thuật, hợp lực tập đoàn, chia sẻ bí quyết kinh doanh hoặc sử dụng nhân sự biệt phái, kiêm nhiệm không được người nộp thuế ghi nhận doanh thu, chi phí, phân tích so sánh được tiến hành để xác định lại giao dịch, giá trị giao dịch và thu nhập tạo ra từ các thoả thuận này và đóng góp của từng bên liên kết để xác định tỷ lệ phân bổ lợi nhuận phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
b) Phân tích các chức năng hoạt động do mỗi bên của hợp đồng thực hiện và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh trong mối quan hệ với các chi phí cơ hội, điều kiện kinh tế, điều kiện ngành và lĩnh vực hoạt động của người nộp thuế, từ đó xác định các yếu tố phản ánh khả năng sinh lời từ các hoạt động và thực tiễn kinh doanh mà doanh nghiệp đã thực hiện gắn với chức năng và việc sử dụng các tài sản, vốn và chi phí có liên quan.
Kết quả phân tích chức năng phản ánh các chức năng chính trong mối quan hệ giữa việc sử dụng các loại tài sản, vốn, chi phí cơ hội cũng như rủi ro gắn với việc đầu tư tài sản, vốn và chi phí đó với khả năng thu lợi nhuận mà doanh nghiệp thực hiện có liên quan đến giao dịch kinh doanh, bao gồm:
- Các chức năng chính của doanh nghiệp được phân tích trong chuỗi giá trị của ngành, chủ yếu bao gồm: Nghiên cứu, phát triển gồm thực hiện dịch vụ nghiên cứu phát triển theo hợp đồng, tự chủ nghiên cứu phát triển, phát triển công nghệ kỹ thuật và thiết kế sản phẩm; sản xuất gồm sản xuất tự chủ, sản xuất cấp phép, sản xuất theo hợp đồng, gia công, lắp ráp, cài đặt thiết bị; mua bán, quản lý nguyên vật liệu và các hoạt động mua bán khác; cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi và hàng tồn kho; marketing, quảng cáo, quảng bá và phân phối gồm phân phối tự chủ, phân phối rủi ro hạn chế, đại lý hoa hồng, phân phối bán buôn, phân phối bán lẻ; nghiên cứu thông tin thị trường; cung cấp dịch vụ như pháp lý, kế toán tài chính, tín dụng thu nợ, đào tạo và quản lý nhân sự hoặc chức năng khác trong chuỗi giá trị ngành.
- Các tài sản chủ yếu gồm tài sản vô hình như bí quyết kỹ thuật, bí quyết kinh doanh, công thức bí mật, thương hiệu, bằng sáng chế, các tài sản vô hình marketing; tài sản hữu hình như nhà xưởng, thiết bị; các tài sản tài chính và các quyền lợi, lợi ích kinh tế từ các tài sản này trong quá trình khai thác, sử dụng và chuyển nhượng tài sản.
- Các rủi ro kinh doanh chủ yếu gồm rủi ro mang tính chiến lược hoặc thị trường; rủi ro về cơ sở hạ tầng hay rủi ro hoạt động như rủi ro hàng tồn kho; rủi ro tài chính như rủi ro tín dụng và nợ xấu, rủi ro tỷ giá hối đoái; rủi ro giao dịch như các yếu tố giá và điều khoản thanh toán trong giao dịch thương mại; rủi ro sản phẩm từ thiết kế phát triển, sản xuất đến quản lý chất lượng và dịch vụ sau bán hàng; rủi ro kinh doanh từ các khoản đầu tư vốn và số lượng khách hàng; các rủi ro do thực hiện các chiến lược kinh doanh như thâm nhập, mở rộng hoặc duy trì thị trường và các rủi ro bất khả kháng như thiên tai, thảm họa.
Phân tích rủi ro của người nộp thuế trong toàn bộ chuỗi giá trị của tập đoàn nhằm xác định các rủi ro trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị ngành, khả năng kiểm soát rủi ro gồm việc đưa ra quyết định quản lý rủi ro và xử lý khi thực tế xảy ra các rủi ro này. Phân tích rủi ro nhằm xác định tác động của các rủi ro kinh doanh đến việc xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết, gồm: Xác định các rủi ro chính về kinh tế; xác định mức độ phân bổ, dàn xếp rủi ro tại các hợp đồng, văn bản pháp lý của người nộp thuế; phân tích chức năng kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trên hợp đồng hoặc văn bản pháp lý; kiểm tra, rà soát thực tiễn thực hiện và gánh chịu, phân bổ rủi ro của người nộp thuế trên thực tế; trường hợp có khác biệt về phân bổ rủi ro tại các hợp đồng, văn bản pháp lý khác với thực tiễn thực hiện, thực hiện phân bổ lại rủi ro của người nộp thuế; và xác định lại mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế căn cứ kết quả phân tích xác định và phân bổ lại rủi ro.
c) Đặc điểm của tài sản, hàng hoá, dịch vụ chuyển nhượng (viết tắt là sản phẩm), bao gồm các đặc tính có ảnh hưởng đến giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản, gồm: đặc tính hàng hóa hữu hình như đặc tính vật lý, chủng loại sản phẩm, chất lượng, nhãn hiệu thương mại của sản phẩm, độ tin cậy, tính sẵn có và sản lượng cung cấp; đặc tính dịch vụ: tính chất, bản chất, mức độ phức tạp, chuyên môn và phạm vi dịch vụ; đặc tính tài sản vô hình như hình thức chuyển giao, loại hình tài sản, hình thức sở hữu, thời hạn, mức độ bảo vệ, thời gian chuyển giao, các quyền được chuyển giao và các lợi ích có thể thu được từ việc sử dụng tài sản vô hình.
Phân tích đặc điểm của tài sản vô hình căn cứ vào toàn bộ quá trình phát triển, thúc đẩy, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình giữa các bên liên kết và khả năng phân bổ lợi nhuận cho các bên liên quan không chỉ căn cứ vào quyền sở hữu pháp lý mà toàn bộ các hoạt động kiểm soát rủi ro và năng lực tài chính để quản lý rủi ro theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này. Đặc điểm của tài sản vô hình chủ yếu bao gồm: Tính độc quyền; phạm vi và thời hạn bảo hộ pháp lý; phạm vi địa lý của giấp phép, giấy chứng nhận dành quyền cho tài sản vô hình; vòng đời của tài sản; giai đoạn phát triển; quyền về tăng cường giá trị, sửa đổi và cập nhật đối với tài sản vô hình; mức lợi nhuận dự kiến của tài sản vô hình.
Phân tích so sánh, xác định giá đối với tài sản vô hình gồm: Xác định tài sản vô hình sử dụng hoặc chuyển nhượng trong giao dịch và những rủi ro cụ thể, trọng yếu về kinh tế liên quan đến phát triển, tăng cường, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình; xác định thỏa thuận tại hợp đồng như quyền sở hữu pháp lý đối với tài sản vô hình, các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận pháp lý, đăng ký, thỏa thuận về giấy phép và các hợp đồng liên quan, các rủi ro kèm theo; xác định bên thực hiện chức năng khai thác, sử dụng tài sản, quản lý rủi ro liên quan đến phát triển, tăng cường, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình; xác định các điều khoản thỏa thuận theo hợp đồng và thực tiễn thực hiện của các bên; xác định giao dịch liên kết thực tế liên quan đến phát triển, tăng cường, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình khi xem xét sở hữu pháp lý của tài sản vô hình và các mối quan hệ, các quyền theo hợp đồng có liên quan, quá trình thực hiện của các bên; và xác định giá của giao dịch phù hợp với đóng góp của mỗi bên chức năng thực hiện, tài sản sử dụng và rủi ro giả định.
d) Điều kiện kinh tế của giao dịch và điều kiện của thị trường mà các bên hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm các yếu tố về điều kiện kinh tế trên thị trường tại thời điểm diễn ra giao dịch ảnh hưởng đến giá của sản phẩm.
Điều kiện kinh tế khi diễn ra giao dịch chủ yếu bao gồm: Quy mô và vị trí địa lý của thị trường sản xuất tiêu thụ sản phẩm, cấp độ thị trường như giao dịch thuộc hoạt động bán buôn, bán lẻ thông thường, phân phối độc quyền; mức độ cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và vị trí cạnh tranh tương ứng của người bán và người mua; khả năng sẵn có của hàng hoá thay thế; mức độ cung cầu trên thị trường nói chung và từng khu vực cụ thể; sức mua người tiêu dùng; các yếu tố kinh tế tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh tại nơi diễn ra giao dịch như chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi tài chính; chính sách điều tiết thị trường của Nhà nước; chi phí sản xuất, chi phí đất đai, lao động, vốn; chu kỳ kinh doanh và các yếu tố có tác động tích cực đến mức giá hoặc tỷ suất lợi nhuận hoặc mức phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế như các đặc điểm về vị trí, lợi thế và việc tiết kiệm được chi phí dựa trên các yếu tố địa lý, thị trường của địa phương, lực lượng lao động và việc tập trung các chức năng hợp lực và chuyên môn hóa căn cứ đóng góp của tất cả các bên liên kết tham gia tạo lập giá trị.
Trường hợp người nộp thuế và các đối tượng so sánh không cư trú cùng thị trường địa lý, phân tích điều kiện kinh tế bao gồm phân tích mức độ tương đồng của các thị trường nơi người nộp thuế và các đối tượng so sánh cư trú đối với các lợi thế so sánh, đặc lợi về vị trí tác động đến các yêu tố cạnh tranh như chi phí lao động, chất lượng lao động, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển, tiền thuê đất, chi phí đào tạo, trợ cấp, ưu đãi về chính sách tài chính, thuế, chi phí cơ sở hạ tầng, mức độ tăng trưởng của thị trường và các đặc điểm lợi thế của thị trường như số lượng dân số, khách hàng với khả năng chi tiêu tăng trưởng tốt và các đặc điểm lợi thế so sánh khác.
đ) Phân tích so sánh loại trừ các khác biệt trọng yếu căn cứ các tiêu chí định lượng và định tính để tìm kiếm, lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng nhất với người nộp thuế. Các tiêu chí định lượng gồm các chỉ tiêu tài chính như quy mô doanh thu, tài sản, vốn lưu động, hàng tồn kho, tỷ trọng xuất khẩu, các chỉ tiêu về tài sản vô hình như giá trị tài sản vô hình, chi phí nghiên cứu phát triển và các khác biệt định lượng cụ thể khác của người nộp thuế được xác định trên cơ sở phân tích các yếu tố so sánh quy định tại Khoản 2 Điều này.
Các khác biệt định tính, định lượng được phân tích, chứng minh có mối liên quan và tác động gây ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế trong giai đoạn, chu kỳ kinh doanh phù hợp bản chất kinh tế, thương mại của ngành và chức năng hoạt động của người nộp thuế. Trường hợp giá giao dịch liên kết của người nộp thuế không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn, người nộp thuế không được sử dụng các tiêu chí này để không điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận về trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn đã lựa chọn.
4. Quy trình phân tích so sánh bao gồm các bước theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Xác định bản chất của giao dịch liên kết, gồm: thu thập thông tin của người nộp thuế để xác minh thực tiễn của giao dịch liên kết và lựa chọn bên liên kết cần kiểm tra, xác minh phương pháp xác định giá theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
b) Thực hiện tìm kiếm đối tượng so sánh độc lập, cụ thể:
b1) Xác định phạm vi, nội dung và yếu tố so sánh, gồm: Thời gian so sánh; thông tin phân tích về người nộp thuế đối với các yếu tố so sánh về đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng, phân tích ngành, thị trường, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh hoạt động kinh doanh, giao dịch hàng hóa, dịch vụ và tài sản của bên liên kết cần xác định giá giao dịch liên kết. Căn cứ thông tin thu thập và phân tích các yếu tố so sánh để đối chiếu với các trường hợp áp dụng phương pháp xác định giá theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
b2) Tìm kiếm đối tượng so sánh, gồm: Xác định nguồn số liệu và cơ sở dữ liệu để tìm kiếm đối tượng so sánh, gồm: Ưu tiên rà soát các đối tượng so sánh độc lập nội bộ trên cơ sở xác minh độ tin cậy và tính độc lập của các đối tượng này đảm bảo không phải là các giao dịch dàn xếp không theo nguyên tắc giao dịch độc lập; tiến hành xây dựng các tiêu chí tìm kiếm và xác định các nguồn cơ sở dữ liệu tin cậy có thể sử dụng theo quy định. Trên cơ sở các thông tin đã phân tích, lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh, thương mại, tài chính, rủi ro của bên liên kết cần xác minh phương pháp xác định giá và rà soát tính sẵn có đối với dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập.
b3) Phân tích mức độ tương đồng và tin cậy của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn trên cơ sở rà soát, sàng lọc các tiêu chí định tính và định lượng; phân tích thông tin kinh tế, ngành và số liệu tài chính của các đối tượng được chọn để xác minh mức độ tương đồng; xác định khác biệt trọng yếu (nếu có) và điều chỉnh khác biệt trọng yếu. Trên cơ sở kết quả lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng, sử dụng dữ liệu, số liệu tài chính của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn để xác định biên độ giao dịch độc lập áp dụng, điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận với bên liên kết theo khoảng giá trị giao dịch độc lập đã được xác định.
c) Xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận từ kết quả phân tích so sánh để xác định giá trị giữa là trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn làm căn cứ điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận tương ứng của người nộp thuế. Các trường hợp không điều chỉnh là hành vi vi phạm quy định về xác định giá giao dịch liên kết và thuộc đối tượng áp dụng ấn định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
1. Các trường hợp áp dụng, nguyên tắc áp dụng và phương pháp xác định của phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập được áp dụng trong các trường hợp: người nộp thuế mua, bán sản phẩm giao dịch phổ biến trên thị trường, có giá được niêm yết công khai trên các sàn giao dịch hàng hoá, dịch vụ trong nước và quốc tế hoặc các giao dịch xác định mức phí bản quyền, mức lãi suất cho vay và đi vay trong điều kiện tương đồng; người nộp thuế thực hiện đồng thời cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập với các sản phẩm không có khác biệt trọng yếu về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng hoặc một trong các bên liên kết tham gia giao dịch có thực hiện các giao dịch tương tự với bên độc lập.
b) Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập được áp dụng trên nguyên tắc:
- Không có khác biệt về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng khi so sánh giữa giao dịch độc lập và giao dịch liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm;
- Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm có thể xác định các khác biệt, tính toánvà điều chỉnh các khác biệt trọng yếu này. Các khác biệt trọng yếu chủ yếu bao gồm: đặc tính vật chất, chất lượng sản phẩm; thương hiệu, nhãn hiệu thương mại của sản phẩm các điều khoản giao hàng; quy mô, khối lượng giao dịch và chính sách giảm giá bán liên quan; thời hạn chuyển giao, thời hạn thanh toán đ các điều khoản hợp đồng khác; rủi ro gánh chịu như rủi ro công nợ, tín dụng. Các yếu tố khác tác động đến giá sản phẩm như: ảnh hưởng do khác biệt địa lý như chỉ số lạm phát, mức độ cạnh tranh của các thị trường tiêu thụ và chính sách liên quan của Chính phủ.
c) Phương pháp xác định:
Giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giá sản phẩm trong giao dịch độc lập tương đồng hoặc giá trị phù hợp nhất trong các giá trị của khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng được lựa chọn.
Giá sản phẩm trong giao dịch độc lập được lựa chọn để điều chỉnh giá sản phẩm trong giao dịch liên kết, từ đó xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Các trường hợp không điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo quy định nêu trên là hành vi vi phạm quy định về xác định giá giao dịch liên kết và thuộc đối tượng áp dụng ấn định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật.
d) Giá giao dịch liên kết sau khi so sánh với giá giao dịch độc lập được điều chỉnh để xác định giá tính thuế trong kê khai, xác định thu nhập chịu thuế và tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
2. Các trường hợp áp dụng, nguyên tắc áp dụng và phương pháp xác định của phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu (phương pháp giá bán lại) áp dụng trong trường hợp người nộp thuế thực hiện chức năng bán hàng, phân phối lại cho các khách hàng độc lập các sản phẩm mua từ bên liên kết là nhà sản xuất tự chủ thực hiện toàn bộ các chức năng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, nghiên cứu thị trường, marketing, quảng cáo sản phẩm. Phương pháp giá bán lại không áp dụng cho người nộp thuế là nhà phân phối sở hữu các tài sản vô hình có giá trị của tập đoàn đối với thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá và tài sản vô hình thương mại, marketing, quảng bá, quảng cáo sản phẩm. Khi thực hiện bán lại sản phẩm cho khách hàng độc lập, người nộp thuế không thực hiện gia công, chế biến, lắp ráp thay đổi tính chất, đặc điểm sản phẩm, gắn nhãn hiệu thương mại để làm gia tăng giá trị sản phẩm.
- Phương pháp giá bán lại áp dụng nguyên tắc không có khác biệt gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp của người nộp thuế. Trường hợp xác định được khác biệt trọng yếu, phải điều chỉnh loại trừ các khác biệt trọng yếu này. Các khác biệt trọng yếu chủ yếu bao gồm chi phí phản ánh chức năng của người nộp thuế như đại lý bán hàng, nhà phân phối độc quyền hoặc nhà phân phối thực hiện marketing; mức độ tăng trưởng phát triển của thị trường tiêu thụ sản phẩm; chức năng của người nộp thuế trong chuỗi cung ứng như bán lẻ, bán buôn và phương pháp hạch toán kế toán của các bên.
- Phương pháp giá bán lại sử dụng tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (hoặc trên doanh thu thuần) của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn để điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận này của người nộp thuế, từ đó, điều chỉnh lại giá vốn mua hàng từ bên liên kết đảm bảo nguyên tắc giao dịch độc lập.
Trường hợp người nộp thuế có chức năng là đại lý bán hàng không có quyền sở hữu sản phẩm và được hưởng phí hoa hồng đại lý theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán của sản phẩm thì tỷ lệ phí hoa hồng của các bên độc lập được xác định là tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần để điều chỉnh cho bên liên kết.
Trong trường hợp này, cần xác định khác biệt về chuẩn mực kế toán là khác biệt trọng yếu cần điều chỉnh. Vì vậy, cần thiết phân loại lại bút toán kế toán để đảm bảo ghi sổ thống nhất đối với các khoản mục xác định giá vốn hàng bán.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (hoặc trên doanh thu thuần) được lựa chọn và điều chỉnh để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Các trường hợp không điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo hướng dẫn nêu trên là hành vi vi phạm quy định về xác định giá giao dịch liên kết và thuộc đối tượng áp dụng ấn định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật.
b) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (phương pháp giá vốn cộng lãi) áp dụng trong trường hợp người nộp thuế thực hiện chức năng sản xuất theo hợp đồng với bên liên kết, gia công, lắp ráp, chế tạo, chế biến sản phẩm, cài đặt thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ cho bên liên kết; người nộp thuế không sở hữu tài sản vô hình và gánh chịu ít rủi ro kinh doanh, bán hàng cho bên liên kết là công ty phân phối thực hiện các chức năng đa dạng như phân phối, marketing, bán hàng, nghiên cứu thị trường, chịu trách nhiệm về doanh số bán hàng và có sở hữu tài sản vô hình thương mại, marketing. Phương pháp giá vốn cộng lãi không áp dụng cho người nộp thuế là doanh nghiệp sản xuất tự chủ, thực hiện các chức năng nghiên cứu phát triển đến thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, chiến lược thị trường và bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
- Phương pháp giá vốn cộng lãi áp dụng nguyên tắc không có khác biệt gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp của người nộp thuế. Trường hợp có khác biệt trọng yếu, phải điều chỉnh loại trừ các khác biệt trọng yếu này. Các khác biệt trọng yếu chủ yếu bao gồm các chi phí phản ánh chức năng hoạt động của doanh nghiệp như sản xuất theo hợp đồng chỉ định từ công ty mẹ hoặc cung cấp dịch vụ nội bộ tập đoàn; các nghĩa vụ thực hiện hợp đồng như thời hạn chuyển giao sản phẩm, chi phí giám sát chất lượng, lưu kho, lưu bãi, điều kiện thanh toán và phương pháp hạch toán kế toán bao gồm các yếu tố cấu thành trong giá vốn (hoặc giá thành) của người nộp thuế và các đối tượng so sánh độc lập.
- Phương pháp giá vốn cộng lãi sử dụng tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn hàng bán của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn để điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận này của người nộp thuế, từ đó, điều chỉnh lại giá bán (hoặc doanh thu thuần) của tài sản, hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho bên liên kết đảm bảo nguyên tắc giao dịch độc lập.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn được lựa chọn và điều chỉnh để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Các trường hợp không điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo hướng dẫn nêu trên là hành vi vi phạm quy định về xác định giá giao dịch liên kết và thuộc đối tượng áp dụng ấn định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật.
c) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần áp dụng trong trường hợp người nộp thuế không có thông tin để áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập theo quy định tại khoản 1 Điều này; không có dữ liệu và thông tin về việc ghi sổ kế toán của các đối tượng so sánh độc lập hoặc không tìm được các đối tượng so sánh có chức năng và sản phẩm tương đồng nên không đủ cơ sở sử dụng các phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này; người nộp thuế thực hiện các chức năng phân phối hoặc sản xuất không sở hữu tài sản vô hình hoặc tham gia phát triển, thúc đẩy, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình khó xác định giá theo quy định tại khoản 3 Điều này.
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần áp dụng nguyên tắc không có khác biệt trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận thuần của người nộp thuế. Trường hợp có khác biệt trọng yếu, phải điều chỉnh loại trừ các khác biệt trọng yếu này. Các khác biệt trọng yếu chủ yếu gồm khác biệt về chức năng, tài sản, rủi ro và điều kiện kinh tế của người nộp thuế và các đối tượng so sánh độc lập. Các khác biệt khác gồm khác biệt về điều kiện hợp đồng và đặc tính sản phẩm.
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần sử dụng các tỷ suất lợi nhuận thuần được xác định theo quy định của chính sách thuế và chế độ kế toán, bao gồm các tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần trên tổng chi phí hoặc trên tổng tài sản cố định phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Các tỷ suất này được xác định trên cơ sở số liệu về doanh thu, chi phí, tài sản không do các bên liên kết kiểm soát hoặc các giao dịch với bên liên kết cấu thành doanh thu, chi phí của người nộp thuế đã được hạch toán theo nguyên tắc giao dịch độc lập.
Trường hợp các chỉ tiêu tài chính tại bảng cân đối kế toán được sử dụng để phân tích so sánh, xác định tỷ suất lợi nhuận thuần, giá trị sử dụng là giá trị trung bình cộng của số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ của chỉ tiêu tài sản cố định trên báo cáo tài chính của người nộp thuế và các đối tượng so sánh độc lập.
- Tỷ suất lợi nhuận thuần được lựa chọn và điều chỉnh để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Các trường hợp không điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo hướng dẫn nêu trên là hành vi vi phạm quy định về xác định giá giao dịch liên kết và thuộc đối tượng áp dụng ấn định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật.
3. Các trường hợp áp dụng, nguyên tắc áp dụng và phương pháp xác định của phương pháp phân bổ lợi nhuận theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Phương pháp phân bổ lợi nhuận áp dụng trong trường hợp người nộp thuế tham gia tạo lập giá trị, thu nhập trong chuỗi giá trị của tập đoàn đối với các giao dịch độc quyền, giao dịch tài chính liên thị trường, giao dịch kinh tế số và các hoạt động trong quá trình phát triển, thúc đẩy, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình, khai thác giá trị hợp lực của tập đoàn.
b) Phương pháp phân bổ lợi nhuận áp dụng trên nguyên tắc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết phải tuân thủ nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập phù hợp bản chất thương mại, kinh tế, tài chính. Phương pháp này được sử dụng khi xác định được giá trị, quy mô, hoàn cảnh của giao dịch liên kết hoặc chuỗi giá trị mà người nộp thuế và các bên liên kết tham gia và các rủi ro kèm theo; xác định được tổng thu nhập, lợi nhuận thực tế và lợi nhuận tiềm năng của giao dịch này và các yếu tố đóng góp, tạo lập giá trị trên cơ sở kiểm tra, xác minh số liệu tài chính và các bên liên kết áp dụng cùng phương pháp hạch toán kế toán trong toàn bộ thời gian phân bổ lợi nhuận.
- Lợi nhuận phân bổ bao gồm lợi nhuận cơ bản và lợi nhuận phụ trội:
Lợi nhuận cơ bản được phân bổ tương ứng căn cứ chức năng thực hiện, tài sản sử dụng và rủi ro kinh doanh thực tế của người nộp thuế. Tỷ lệ phân bổ lợi nhuận cơ bản được xác định theo phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận theo quy định tại khoản 2 Điều này. Lợi nhuận cơ bản không bao gồm giá trị phụ trội tạo ra từ giao dịch độc quyền, giao dịch tài chính liên thị trường, giao dịch kinh tế số hoặc giá trị hợp lực tập đoàn.
Lợi nhuận phụ trội được xác định là lợi nhuận còn lại sau khi trừ lợi nhuận cơ bản đã phân bổ. Tỷ lệ phân bổ lợi nhuận phụ trội được xác định tương ứng với các yếu tố đóng góp tạo lập giá trị, thu nhập của các bên trong giao dịch liên kết, bao gồm một số yếu tố phân bổ như doanh thu, chi phí, tài sản hoặc nhân lực của các bên liên kết tham gia giao dịch.
- Trường hợp không đủ thông tin, dữ liệu để phân bổ riêng lợi nhuận cơ bản và lợi nhuận phụ trội thực hiện phân bổ chung tổng lợi nhuận tương ứng với mức độ đóng góp của các bên liên kết căn cứ chức năng thực hiện, tài sản sử dụng và rủi ro kinh doanh thực tế của người nộp thuế trên tổng chi phí và toàn bộ các rủi ro thực tế để tạo ra lợi nhuận của tập đoàn. Một số yếu tố phân bổ gồm doanh thu, chi phí, tài sản hoặc nhân lực của các bên liên kết tham gia giao dịch.
Lợi nhuận được điều chỉnh của người nộp thuế là căn cứ xác định thu nhập chịu thuế và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp nhưng không làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
Điều 4. Kê khai thông tin quan hệ liên kết và giao dịch liên kết; lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
1. Người nộp thuế thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp số 03/TNDN. Mẫu số 01 được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này thay thế cho mẫu 03-7/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.
2. Người nộp thuế lập và lưu giữ bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan thuế, bao gồm:
a) Hồ sơ quốc gia là các thông tin chi tiết của người nộp thuế, các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế, phân tích so sánh, lựa chọn, áp dụng phương pháp xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế tuân thủ nguyên tắc giao dịch độc lập và các nội dung chi tiết theo quy định tại Mẫu số 02 Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ quốc gia.
b) Hồ sơ toàn cầu là các thông tin về kế hoạch kinh doanh, phát triển của tập đoàn gồm cơ cấu tổ chức và mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị và các hoạt động kinh doanh của tập đoàn, tài sản vô hình và các hoạt động tài chính liên kết trong nội bộ tập đoàn, mô hình tài chính và chính sách thuế hiện hành, bao gồm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế áp dụng của các pháp nhân thuộc tập đoàn và các nội dung chi tiết tại Mẫu số 03 Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ toàn cầu. Thông tin tại Hồ sơ toàn cầu được xác định là trọng yếu nếu loại bỏ thông tin đó gây ảnh hưởng đến phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tương đồng của người nộp thuế.
Các thông tin quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này được người nộp thuế lập và đánh dấu vào các dòng tương ứng tại Mẫu số 02 và 03 kèm theo toàn bộ thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
c) Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia được kê khai tại Mẫu số 04 Kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung kê khai tại Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia là số liệu, thông tin tổng hợp về thuế liên quan đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn được sử dụng trong công tác quản lý rủi ro của Cơ quan thuế.
Điều 5. Miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
1. Người nộp thuế được lựa chọn miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh thỏa mãn đồng thời ba điều kiện sau:
a) Người nộp thuế phát sinh doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ với các bên liên kết dưới 200 tỷ đồng trong kỳ tính thuế; và
b) Người nộp thuế không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình; không sở hữu, thực hiện hoặc tham gia thực hiện, chia sẻ chi phí đối với tài sản vô hình và các quyền, lợi ích liên quan trong toàn bộ chuỗi phát triển, thúc đẩy, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình; và
c) Người nộp thuế thực hiện chức năng đơn giản đối với các lĩnh vực như sau:
- Phân phối: là các hoạt động kinh doanh mua bán sản phẩm tại khâu phân phối như bán buôn, bán lẻ, đại lý thương mại bán hàng cho các sản phẩm của bên liên kết.
- Sản xuất: là các hoạt động tạo ra sản phẩm theo hợp đồng sản xuất, đơn đặt hàng của các bên liên kết.
- Gia công: là các hoạt động thuộc khâu sản xuất, nhận nguyên vật liệu từ bên liên kết để thực hiện gia công sản phẩm theo quy định tại Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005.
2. Tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được xác định trong kỳ tính thuế theo quy định của chính sách thuế và chế độ kế toán là tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần. Doanh thu thuần là chênh lệch của doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trừ (-) các khoản giảm trừ doanh thu trong kỳ của người nộp thuế.
3. Trường hợp người nộp thuế tham gia thực hiện hơn một chức năng đơn giản theo quy định tại khoản 1 Điều này, người nộp thuế theo dõi hạch toán riêng doanh thu, chi phí của từng chức năng để áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu tương ứng với từng lĩnh vực theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp người nộp thuế không theo dõi hạch toán riêng được từng chức năng, lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu của lĩnh vực cao nhất theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
1. Thông tư này hướng dẫn thi hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2017.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./
Hotline : 0982181889
Email : tuvanluatkimgia@gmail.com
THÀNH LẬP CÔNG TY
0982 181 889 Luật Sư Trúc
THÀNH LẬP CÔNG TY
0982 565 669 Luật Sư Hoàng
THÀNH LẬP CÔNG TY
0918 99 6769 Luật Sư Trúc
THAY ĐỔI ĐKKD
0982 181 889 Luật Sư Trúc
THAY ĐỔI ĐKKD
0982 565 669 Luật Sư Hoàng
DV KHAI THUẾ - IN HÓA ĐƠN
0867616379 C. Oanh (Kế toán)
Đ/c: 243A Thích Quảng Đức, Phường 4, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Tel (zalo): 0982 181 889 Luật Sư Trúc - 0982 565 669 Luật Sư Hoàng
Hotline: 0982 181 889 Luật Sư Trúc
Email: tuvanluatkimgia@gmail.com - tuvanthanhlapcongtykimgia@gmail.com
Web: tuvanluatkimgia.vn
Hotline