PV: Dự thảo sửa đổi Luật thuế TNDN đề xuất DN siêu nhỏ (tổng doanh thu 1 năm dưới 3 tỷ đồng) thì áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (doanh thu từ trên 3 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng) thì áp dụng thuế suất 17%. Mức thuế suất này giảm mạnh so với quy định hiện hành. Việc giảm thuế này tác động như thế nào tới DN?
Ông Mạc Quốc Anh: Theo dự thảo Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN đối với DNNVV, cụ thể: DN siêu nhỏ (có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%. Cá nhân tôi cho rằng, quy định này là kịp thời và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới được ban hành. Đồng thời, đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho DN siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, phù hợp với thực tế quản lý hiện nay.
|
Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số DN (97 - 98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc sửa đổi chính sách thuế lần này sẽ ảnh hưởng tới một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN. Việc giảm thuế sẽ tác động lớn nhất và đầu tiên đó là tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh, tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho DN. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong thời kỳ hiện nay, động thái của Bộ Tài chính đề xuất mức thuế TNDN phù hợp hơn với DNNVV là cần thiết.
Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN từ 20% xuống còn 17%, thậm chí 15% đối với DN nhỏ, siêu nhỏ đã thỏa mãn 3 yêu cầu sau: Bảo đảm mức giảm không gây “sốc” so với mức hiện tại và phù hợp với cam kết hội nhập; bảo đảm sự cân bằng khi đặt trong tương quan so sánh mức chung của khối DN khác và các nước khác; phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước cũng như đã cân nhắc sức chịu đựng của DN.
PV: Không chỉ đề xuất giảm thuế đối với các DN siêu nhỏ, DNNVV, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, như công nghệ thông tin (CNTT - 10% trong 15 năm đầu; miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo). Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các DNNVV, nhất là DN khởi nghiệp?
Ông Mạc Quốc Anh: Hiện nay, cùng với hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ gia công phần mềm cũng đang được đánh giá là thế mạnh của DN phần mềm Việt Nam. Tuy được đánh giá là một trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm, nhưng sức cạnh tranh của DN gia công phần mềm Việt Nam vẫn còn yếu. Do đó, Bộ Tài chính trình dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, như CNTT. Mức ưu đãi trên tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ, các dự án đầu tư tại khu kinh tế… Điều này sẽ đem đến tác động tích cực đối với các DNNVV, đặc biệt là DN khởi nghiệp, cũng như đến toàn bộ nền kinh tế.
PV: Cụ thể các tác động này như thế nào, thưa ông?
Ông Mạc Quốc Anh: Việc ưu đãi thuế trước hết sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh, tăng tích lũy. Thuế TNDN được miễn, giảm, các DN có lợi nhuận nhiều hơn, tăng động lực sản xuất kinh doanh cho DN. Phần thuế được miễn, giảm DN sẽ mở rộng đầu tư vào nền kinh tế và gia tăng tích lũy để trở thành các DN lớn.
Thứ hai, tăng tính tuân thủ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Chi phí về thuế giảm, lợi nhuận tăng, như vậy thay vì bỏ ra chi phí để trốn thuế hoặc khó khăn phải nợ thuế thì DN sẽ nghiêm túc chấp hành việc kê khai, nộp thuế. Từ đó, tỷ lệ DN trốn thuế, nợ đọng thuế sẽ giảm, thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế và tăng thu cho ngân sách.
Thứ ba, các DN làm ăn thua lỗ, sẽ chưa được hưởng lợi ích từ việc miễn, giảm thuế vì các DN này có số thuế phải nộp âm. Số thuế phải nộp âm thì việc miễn, giảm không có ý nghĩa. Đây cũng là động lực để các DN đang làm ăn thua lỗ cần phải cố gắng để kinh doanh có lãi, để được hưởng các ưu đãi từ chính sách.
Thứ tư, chính sách thuế TNDN ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ, điều này làm gia tăng năng suất cho nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu.
Thứ năm, việc đưa ra ưu đãi thuế mới phù hợp sẽ giúp đảm bảo công bằng hơn cho DN trong nước và DN nước ngoài. Trên thực tế, một số DN nước ngoài thường né, không nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam. Chẳng hạn, đội ngũ của Google ở Việt Nam đều được ghi nhận lương từ công ty ở Singapore nên không phải đóng thuế TNCN. Hoặc Uber cũng không đóng thuế GTGT. Khi đưa các doanh nghiệp CNTT vào diện không phải kê khai tính thuế sẽ gia tăng sức cạnh tranh và đem lại công bằng hơn cho DN trong nước.