Khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 38, chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực (ngày 1/1/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định, khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Như vậy, không có quy định (luật không bắt buộc) khi đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân thì các giấy tờ khác có sử dụng thông tin từ giấy chứng minh nhân dân phải sửa đổi, chuyển sang thông tin tương ứng trên thẻ căn cước công dân. Nghĩa là khi đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước, các giấy tờ pháp lý được cấp, sử dụng gắn liền với chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên hiệu lực.
Việc có chuyển đổi thông tin trên các giấy tờ đó cho trùng khớp, tương ứng với thông tin trên thẻ Căn cước công dân hay không là quyền lựa chọn và tự quyết định của người đứng tên trên các giấy tờ đó.
Hiện nay, theo Thông tư số 11/2016/TT-BCA ngày 4/3/2016 của Bộ Công an, khi làm thủ tục đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, nếu chứng minh nhân dân còn rõ nét thì đều được cắt góc (phía trên, bên phải) và được trả lại cho người làm thủ tục.
Ngoài ra, nếu có yêu cầu, người làm thủ tục còn được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân. Do đó, công dân đã đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân cũ đã bị cắt góc hoặc/và Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân để chứng minh thông tin chứng minh nhân dân trên các giấy tờ mà không bắt buộc phải sửa đổi thông tin theo thẻ Căn cước công dân.
Luật sư Kiều Anh Vũ